Chuyên mục
Daily Life

Đi du học, ở hay về?

Mấy ngày nay trên mạng thì vấn đề đi du học rồi ở lại hay về Việt Nam đang là vấn đề rất nóng được nhiều người quan tâm. Đây là một vấn đề mà tất nhiên mỗi người đều có những ý kiến riêng, quan điểm riêng và chúng ta cần tôn trọng. Mình chỉ muốn được chia sẻ thêm ý kiến của cá nhân với tư cách là một người đang đi du học tại Nhật Bản. Hy vọng rằng chia sẻ này sẽ giúp cho những bạn nào đang trong tình cảnh khó xử có thể tìm được một chút nào đó lời giải cho bản thân.

Trước hết, thông thường các bạn đi du học có hai dạng chính: du học tự túc và du học theo các dạng học bổng. Quan điểm của bản thân mình sẽ khác nhau với mỗi dạng

1. Nếu bạn là du học sinh tự túc
Đối với các bạn theo diện này, mình ủng hộ 100% quyết định về hay ở lại của các bạn, và sẽ không có ý kiến nếu các bạn ở lại làm việc tại nước ngoài. Dù sao thì các bạn đã mạo hiểm để đầu tư một số tiền lớn cho bản thân mình và các bạn xứng đáng có quyền tự quyết đối với tương lai mình sau đó. Mình chỉ mong rằng, các bạn sẽ luôn có suy nghĩ gì đó trong đầu rằng sẽ giúp đỡ đất nước Việt Nam bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn. Tất nhiên, nếu bạn chỉ làm việc và hưởng thụ tại một quốc gia khác thì việc đó cũng hoàn toàn là hợp lý. Chỉ có điều là đất nước rất mong muốn có một người như bạn để giúp đỡ và hy vọng các bạn có thể góp một ít gì đó cho dân tộc mình. Mình nhấn mạnh ở đây là “đất nước” chứ không phải là “nhà nước” nhé.

2. Nếu bạn du học theo học bổng
Du học theo dạng này lại thường được chia làm 2 dạng nhỏ hơn: du học theo các chương trình của chính phủ Việt Nam và du học do tài trợ của chính phủ nước ngoài hoặc trường học ở nước ngoài.

Với các bạn đang học theo học bổng do chính phủ Việt Nam cấp, mình sẽ nói rằng các bạn không có lý do để mà ở lại. Nguyên tắc khi chính phủ Việt Nam cấp học bổng là để giúp đất nước và đã có cam kết rõ ràng, nếu như các bạn dùng học bổng đó để đi làm ở nước ngoài thì giống như dùng điện thoại của Viettel mà trả tiền cho Mobifone vậy, nó không hề hợp lý một chút nào. Bạn hãy nghĩ rằng nếu bạn không nhận học bổng đó thì đã có một người khác được nhận học bổng và được ra nước ngoài rồi sau đó quay về làm việc cho đất nước, bạn đã cướp mất cơ hội để đầu tư phát triển đất nước rồi. Do vậy, nếu không có quyết tâm hoặc cam kết quay lại Việt Nam, xin các bạn đừng apply vào học bổng của chính phủ Việt Nam.
Kể cả những bạn đi du học theo học bổng các chính phủ nước ngoài, có thể nhiều học bổng cũng có điều kiện ràng buộc là quay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp hoặc dựa trên câu nói “tôi sẽ quay về Việt Nam” trong bài luận các bạn viết để xét chọn học bổng. Cho nên, nếu được thì các bạn cũng nên giữ cam kết đó với bản thân và quay trở về Việt Nam nếu có cơ hội.

Đa số những người mà mình được gặp bên này đều nói ráng học lên rồi kiếm học bổng qua nước khác du học, hoặc là ráng kiếm vợ bên này rồi sống bên này. Thật tình mà nói nếu như sống ở bên nước phát triển, cuộc sống của bạn sẽ cảm thấy khá êm đềm và thoải mái, không phải hàng ngày lo lắng các vấn đề thực phẩm, vệ sinh, giao thông, không phải đau đầu nhiều với các tệ nạn, tham nhũng, v.v.. Nhưng khi bản thân sống ở nơi này, chúng ta sẽ cảm thấy rằng chúng ta chỉ giống như một mắt xích rất nhỏ trong một bộ máy đã vận hành trơn tru, dù có muốn làm gì đó cũng không tạo ra sự thay đổi lớn trong xã hội (và có lẽ họ cũng không cần chúng ta tạo ra sự thay đổi gì cho xã hội bên họ, chỉ cần đóng thuế và phát triển kinh tế là được).

Khi nói chuyện với một số người bạn, mình hay nói là hãy cứ đi ra nước ngoài đi, đi học hoặc đi làm cũng được. Mục đích là để xem đất nước họ phát triển như thế nào, để biết được các vấn đề của Việt Nam là gì. Và sau khi đi rồi thì hãy cố gắng quay trở về hoặc làm gì đó giúp đỡ cho đất nước. Giống như rất nhiều giáo sư người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, họ thường giúp xây dựng mối liên kết giữa trường học nơi họ đang công tác với các trường của Việt Nam, từ đó giúp đỡ và giới thiệu rất nhiều sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học để sau này quay trở về giúp đất nước. Đó cũng là một việc làm vô cùng thiết thực, vẫn giúp đỡ đất nước mặc dù không nhất thiết phải sống tại Việt Nam.

Kết: hãy là người quân tử và hãy tìm cách sử dụng những gì bạn học được ở nước ngoài một cách hiệu quả nhất. Nhà nghèo sẽ xem 1 triệu đồng là rất giá trị, còn nhà giàu sẽ xem đó là 1 phần nhỏ của tài sản mà họ có. Be smart!

Bởi xuanchien

Tran Xuan Chien.

Japan Advanced Institute of Science and Technology - Japan.

Senior Developer - NUS Technology.

4 replies on “Đi du học, ở hay về?”

Bình luận về bài viết này